Từng là Tổng thư ký Hội Hữu nghị Nhật – Việt, sau khi về hưu, bà Usuda ReiKo lặng lẽ đến Việt Nam lập trung tâm cộng đồng vì trẻ nghèo, nguyện làm cầu nối kêu gọi bạn bè quốc tế cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Bà Reiko còn nhớ như in, năm 1999, lần đầu tiên đến Việt Nam, những bé gái lang thang ăn xin trên đường phố Hà Nội đã gieo vào lòng bà cảm xúc trắc ẩn đặc biệt. “Không hiểu sao, thân phận các bé gái đáng thương ngày ấy đã thôi thúc tôi quay trở lại làm điều gì đó cho đất nước này. Năm 2003, chương trình xe đạp hữu nghị Nhật – Việt dành cho học sinh nghèo đã níu chân tôi gắn chặt với mảnh đất miền Trung gian khó”, bà Reiko kể lại.
Từ năm 2003 đến nay, thông qua chương trình hợp tác viện trợ, bà Reiko kêu gọi các tổ chức Nhật Bản hỗ trợ 10.000 xe đạp cùng thiết bị văn phòng phẩm giúp trẻ em nghèo, vùng xa tại hàng chục trường học ở Quảng Nam, Đà Nẵng.
Sau hơn 10 năm gắn bó với các tỉnh miền Trung, sau khi về hưu, năm 2011, bà Reiko quyết định chọn phố cổ Hội An (Quảng Nam) làm nơi định cư sinh sống đến cuối đời. Bà mua đất bên bờ sông Hoài, lập Trung tâm cộng đồng kêu gọi mọi người chung tay góp sức vì một “hành tinh xanh”, đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh, Nhật, dạy nghề miễn phí, mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên nghèo.
Đồng cảm với tâm nguyện nhân văn, ba kiến trúc sư người Nhật gồm Yoshida Akida, Hirota Keiko, Yamada Takahiro giúp đỡ bà thiết kế ngôi nhà thân thiện với môi trường. Trên mái nhà là bể nước lớn đón nước mưa xuống để sử dụng sau đó xử lý lại để sử dụng thành vòng tròn khép kín theo phương pháp sinh học tự nhiên, chắt chiu từng giọt nước. Nước thải xử lý xong được bơm ngược lên mái và cấp cho các bể nuôi cá, trồng hoa súng.
Từ năm 2011 đến nay, ngôi nhà sinh thái của bà Reiko trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng trăm sinh viên nhiều trường đại học ở Nhật Bản, Việt Nam đến tham quan, thảo luận về những vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các bạn trẻ chuyên ngành kiến trúc, môi trường đến đây bất ngờ với hệ thống nước thải từ nhà vệ sinh, nhà bếp của căn nhà được xử lý bằng vi sinh vật ở tầng hầm. Do sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên nên hầu như gia chủ không phải dùng máy điều hòa, máy quạt. Hệ thống cấp nước và điện chiếu sáng sử dụng bằng năng lượng điện pin mặt trời.
“Thông qua mô hình sinh thái này, tôi muốn gửi thông điệp đến các bạn trẻ nếu không tính toán kỹ ngay từ khâu thiết kế kiến trúc nhà ở thì cảnh quan xung quanh dễ bị phá vỡ, nguồn nước thải dễ gây ô nhiễm môi trường”, bà Reiko thổ lộ.
Không chỉ kêu gọi bạn bè quốc tế trân trọng nguồn nước tự nhiên, bà Reiko đang hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) thực hiện chiến dịch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Trong căn nhà sinh thái, người phụ nữ Nhật này dành khoảng không gian tại phòng khách trưng bày hình ảnh, poster, in loài linh trưởng quý hiếm trên những món quà lưu niệm gửi đến du khách.
“Ở căn nhà sinh thái này thường xuyên diễn ra chuỗi sự kiện về các vấn đề xã hội, môi trường. Đây là điểm hẹn ấm áp gắn kết mọi người với nhau, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi nhiều điều mới, tôi cảm phục bà Seiko về điều đó”, ông Manus Campbell (quốc tịch Mỹ), người sáng lập giúp đỡ nạn nhân chiến tranh Việt Nam chia sẻ.
62 tuổi, người phụ nữ Nhật này lúc nào cũng tận tụy với công việc bảo vệ môi trường, hoạt động xã hội vì trẻ nghèo Việt Nam. Cảm kích trước nhiều hoạt động xã hội thầm lặng của bà Reiko, suốt hai năm qua, Trần Thị Hà My, kỹ sư môi trường, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đã đến phố cổ Hội An tình nguyện góp sức.
“Quý trọng nghĩa cử cao đẹp này, tôi tình nguyện đồng hành giúp bà trong vai trò phiên dịch, tổ chức những sự kiện gặp gỡ của các đoàn sinh viên quốc tế đến thảo luận ở ngôi nhà sinh thái”, My cho biết.
Hiện tại, bà Reiko phối hợp cùng chàng trai Võ Tấn Tân ở TP Hội An sản xuất xe đạp tre xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, vừa tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, vừa giúp trẻ nghèo có phương tiện đến lớp thân thiện với môi trường.
“Mới đây, bà Reiko còn ngỏ ý với chúng tôi thành lập Hội lưu học sinh, sinh viên Việt Nam để kêu gọi các tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi cho du học sinh tại TP Kawasaki (Nhật Bản). Những việc làm thiết thực của bà duy trì suốt nhiều năm qua thật đáng trân trọng”, ông Trường cảm kích nói.
Trí Tín